
Một ngọn núi hùng vĩ thuộc dãy Hoàng Liên Sơn phía Bắc đất nước ta nằm sát trung tâm thị trấn SaPa và có cốt cao độ điểm thấp nhất tại phía Nam 1.450m, cốt cao nhất 1.850m. Địa hình với góc dốc trung bình khoảng 30 độ. Địa mạo chủ yếu là nền đá casteur phong hóa lộ thiên.

Nơi đây có đa dạng kiểu núi, xung quanh đây có rừng xanh phủ kín, kì bí với nhiều loài cây lá rộng xanh ngắt quanh năm mát mẻ cùng các loại dây leo, bụi rậm chằng chịt, rừng hỗn hợp cây lá rộng, lá kim…Vùng núi cao với đặc điểm là rừng thưa, ít rậm rạp, thỉnh thoảng cỏ cây lá rộng xen kẽ. Cao hơn rừng kín thường xanh nhiệt đới với đặc điểm rừng thưa, ít tầng hệ thực vật lá kim đua nhau phát triển. Với độ cao của đỉnh núi thì hầu như không còn cây cối nhiều, chỉ có lác đác trúc núi (Trúc lùn) và gió bụi thổi.
Núi Hàm Rồng có mức nhiệt trung bình dao động khoảng từ 15 -18 độ C, lượng mưa phổ biến vào khoảng 1.800 – 2.000mm, đặc biệt khí hậu có sự đổi khác xuất hiện băng giá, tuyết nhẹ. Núi Hàm Rồng nằm ở phía Bắc và cụ thể là thuộc tỉnh Lào Cai, là một tỉnh có tiềm năng tương đối phong phú và đa dạng để phát triển du lịch. Nằm trong quần thể du lịch của tỉnh Lào Cai, núi Hàm Rồng được coi là một trong những địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch lớn và đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Đến với điểm du lịch bậc nhất SaPa – Khách du lịch không chỉ được ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ đất trời mà còn được thưởng thức sự trong lành, mát mẻ của khí trời Sa Pa. Du khách đến Sa Pa không thể không đến núi Hàm Rồng để trò chuyện với đá, với cỏ cây, với gió hoang và mây trời, để được hòa mình vào cảnh sắc ngất ngây của tạo hóa, để được sống trong khung cảnh thần tiên giữa chốn trần gian.
Ngắm từ xa, Núi Hàm Rồng tựa như một con rồng khổng lồ đang uốn mình, nằm phục hướng về phía Tây dãy Hoàng Liên Sơn. Phần đỉnh núi được “mẹ” thiên nhiên khéo sắp xếp từ những mỏm đá vô hồn một cách ngẫu nhiên mà lại tạo thành hình ảnh đầy hữu ý. Người dân ở đây gọi mỏm núi đó là núi Đầu Rồng bởi ngắm trông giống đầu một con rồng đang nhe nanh hướng về phía trời cao. Có rất nhiều dị bản về truyền thuyết núi Hàm Rồng nhưng nhìn chung các truyền thuyết này đều nói đến tình cảm yêu thương, ân nghĩa mặn nồng, thủy chung của loài rồng.